Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Giác Khang
Chắc hẳn có nhiều người vẫn chưa biết Hoà Thượng Thích Giác Khang là ai? Hãy tìm hiểu về cuộc đời tu học và giảng pháp của Hoà Thượng Thích Giác Khang trong bài viết dưới đây.
Sơ lược về tiểu sử của Hoà Thượng Thích Giác Khang
Hòa Thượng Giác Khang thế danh Tô Văn Vinh sinh năm 1941 tại tỉnh Bạc Liêu. Hòa Thượng là con thứ 8 trong gia đình. Thân sinh là cụ ông Tô Khanh và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Vén. Hòa Thượng tốt nghiệp Tú Tài và học Cao đẳng Sư phạm, khi ra trường đi dạy học ở Cái Côn – Cần Thơ.
Trong thời gian đi dạy học, Hòa Thượng có nghiên cứu các tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Cảm nhận lời Phật dạy qua câu “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, Hòa Thượng ngộ được lý Bình đẳng của đạo Phật. Từ đó, Sư Thầy tiếp tục nghiên cứu sâu về giáo lý Phật giáo và đến tham vấn nhiều chư Tăng về sự xuất gia cũng như giáo lý Phật-đà. Hòa Thượng cảm nhận được lòng từ bi của chư Phật qua giáo lý ăn chay và sau đó Ngài phát tâm trường chay.
Thấm nhuần lời Phật dạy và dạy ích của sự xuất gia giải thoát, đầu năm 1966, Sư Thích Giác Khang phát nguyện xuất gia tu học nương theo Bổn Sư là Đức Tri Sư Giác Như tại Tịnh xá Ngọc Vân tại tỉnh Trà Vinh. Cùng năm đó, Hòa Thượng thọ giới Sa-di tại Tịnh xá Ngọc Vân – Trà Vinh.
Đến tháng 7/1971, Sư Thầy Thích Giác Khang thọ giới cụ túc Tỳ-kheo tại Tịnh xá Ngọc Viên – tỉnh Vĩnh Long, rồi luân chuyển đến các Tịnh xá giáo đoàn I tu học để góp phần cùng chư Tăng hoằng pháp độ sinh tại các trú xứ.
Đầu năm 1975, Hòa Thượng theo đoàn Du Tăng Khất Sĩ của Đức Nhị Tổ và chư Tăng trong đoàn hành đạo tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Đến năm 1980, Ngài theo đoàn hành đạo về huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1982, Hòa Thượng về Tịnh xá Ngọc Vân – Trà Vinh tu học để phụ tiếp với Đức Tri sự Bổn Sư.
Không chỉ tại địa phương mà tại các đạo tràng có nhu cầu thỉnh pháp, Hòa Thượng Thích Giác Khang đều đến để thuyết giảng chánh pháp như: Tịnh xá Ngọc Trường, Chùa Phước An, Chùa Phước Thành, Chùa Thanh Quang. Các tịnh xá ngoài tỉnh như: Tịnh xá Ngọc Lợi – Bạc Liêu, Tịnh xá Ngọc Viên – Vĩnh Long… Sau đó, đoàn hành hương đến Thái Lan để thăm viếng các chùa. Đoàn dừng chân khoảng 1 tuần và có ý đi Miến Điện để chiêm bái các Thánh tích.
Tuy nhiên, thời gian sau, sức khỏe của Hòa thượng Thích Giác Khang yếu dần, chư Tăng và quý Phật tử tận tình chăm sóc. Hòa Thượng cảm nhận rằng mình không còn tại thế lâu dài được nữa, nên ngài trình tâm nguyện lên Hòa thượng Giác Giới – Tri Sự trưởng GĐ1 liễu tri để Hòa Thượng tạo duyên tu học cho chư Tăng và chư Phật tử đạo tràng Tịnh xá Ngọc Vân. Vào lúc 15 giờ ngày 30 tháng 3 năm Quý Tỵ, Hòa thượng thu thần thị tịch, để lại vô vàn sự kính tiếc của chư Tăng Ni và toàn thể quý Phật tử gần xa.
Các thời kỳ tu học và giảng pháp của Hoà Thượng Thích Giác Khang
Thời kỳ đầu tu học
Năm 1966, Ngài xuất gia theo hệ Khất sĩ tại Tịnh xá Ngọc Vân tỉnh Trà Vinh. Ngài có 2 Bổn Sư là Nhị Tổ Giác Chánh và Đức Trị sự Giác Như. Từ năm 1968 đến năm 1983, Ngài theo Nhị Tổ Giác Chánh đi hành đạo khắp nơi ở miền Tây Nam bộ. Sư thầy Thích Giác Khang học “Chơn lý” và hành trì “Trú dạ lục thời” theo giáo lý Khất sĩ của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang.
Trong thời này, Hòa thượng thường xuyên nhập vào định tam thiền và tìm chỗ vắng vẻ nhập vào thiền định từ 7 – 9 tiếng nghiền ngẫm thuần thục bộ “Chơn lý”. Nhưng trong quá trình tu học, Ngài thấy bế tắc về Bát nhã, về con đường giải thoát và cảm thấy thất vọng vô cùng. Trong lúc chán nản, chợt nhìn trên kệ kinh thấy quyển “Đường vào hiện sinh” của Kisnamurti do Trúc Thiện dịch, Hòa thượng đã đọc và ngộ được Chân lý Bát nhã. Kể từ đó, sư thầy Thích Giác Khang tìm đọc những quyển do Trúc Thiên, hay cụ Mai Thọ Truyền dịch, Duy thức học của Giáo sư Thạc Đức, quyển Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần…
Năm 1983, do tình hình thời thế có sự thay đổi, Ngài trở về Tịnh xá Ngọc Vân. Đến năm 1985, Đức Trị sự Giác Như viên tịch, giao nhiệm vụ trụ trì lại cho Ngài. Tại đây, trong các buổi cúng hội, Sư Thầy giảng chuyên về Chơn lý và dạy tu thiền định đã thu hút rất đông chư Phật tử.
Hoà Thượng Thích Giác Khang giảng pháp
Thời kỳ thứ hai
Sau thời gian giảng dạy, Hòa thượng Thích Giác Khang lâm trọng bệnh. Sau những ngày mê man, khi tỉnh dậy Ngài suy nghĩ trong thời buổi này tu pháp môn Thiền tông khó mà đắc Thánh quả. Chính vì vậy, Hòa Thượng nghĩ rằng pháp môn Tịnh độ nếu hành đúng sẽ được vãng sanh về thế giới Cực lạc thì một đời sẽ thành Phật. Lúc đó, Ngài nhờ phật tử thỉnh quyển kinh A Di Đà của Tri Húc Đại Sư. Ngài đọc được câu thơ “có thiền, có tịnh như cọp mọc thêm sừng” của Đại Sư Vĩnh Minh và từ đó quyết định “Thiền-Tịnh song tu”.
Hòa thường Thích Giác Khang bắt đầu nghiên cứu các kinh sách về Tịnh độ tông như pháp môn Tịnh độ của Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Niệm phật tập yếu của Ngài Thiền Tâm, Lá thư Tịnh độ của Ngài Quang Đại Sư… Sau đó, Sư Thầy giảng dạy thiền tông phối hợp với Tịnh độ tông cho Phật tử. Trong các bài giảng dạy, Ngài đặt ra 6 câu hỏi về pháp môn Tịnh độ, Phật tử từng bước trả lời các câu hỏi đó. Nhưng sau này, khi nhiều chùa thỉnh Ngài giảng trong các ngày Phật thất, Ngài đã thêm một câu hỏi nữa, đến nay là 7 câu hỏi về pháp môn Tịnh độ.
Thời kỳ thứ ba
Qua kinh Trung Bộ, Hòa thượng Thích Giác Khang đọc được bài kinh Sáu Sáu, thấy Đức Phật giảng thực tế đi vào trong cuộc sống, sau khi Đức Phật giảng xong có 60 vị Tỳ kheo đắc quả Alahán. Từ đây, mỗi ngày sư thầy phối hợp Duy thức giảng bài kinh Sáu Sáu. Tuy nhiên, Ngài thấy lối giảng này chưa được sáng tỏ, Ngài tiếp tục tìm chỗ ẩn tu để suy gẫm vào chiều sâu. Ngài tìm đến Sư Thức đang tu tịnh ở tỉnh Sa Đéc. Đây là vị Sư được Nhị Tổ quan tâm, cũng là vị Sư mà Ngài thường hay nhắc đến trong lúc giảng pháp.
Trong thời gian tịnh tu, Hòa thượng đặt thêm 4 câu hỏi nữa, tổng cộng là 10 câu hỏi của bài kinh Sáu Sáu. Ngài rất tâm đắc đoạn kinh Đức Phật chỉ dạy Ngài Anan nhận lại Bát nhã qua 6 căn ngay trong lúc đánh chuông. Bên cạnh đó, Ngài nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám dịch.
Sau khi kết thúc khóa giảng lần 2, Ngài thấy chưa vừa ý nên đã đi tịnh tu tại Đà Lạt, do Phật tử Tịnh Giới cất cái cốc dưới thung lũng xa thành phố cho Ngài. Trong thời gian này, Hòa thường thường đi vào rừng sâu, suối, thác để nương cảnh tạo tâm.
Năm 2007, phật tử thỉnh Ngài giảng bài kinh Sáu Sáu lần 3. Ngài giảng bài kinh Sáu Sáu phối hợp giữa kinh Nguyên thủy, Đại thừa, Tiểu thừa. Ngài chọn kinh Thủ Lăng Nghiêm, Duy thức, bộ sách của cụ Nghiêm Xuân Hồng và pháp môn Tịnh độ lồng vào bài giảng kinh Sáu Sáu. Lần này, Ngài giảng đi vào chiều sâu của Bát nhã ứng dụng ngay trong thực tế cuộc sống.
Thời kỳ thứ tư
Trong giai đoạn này, sức khỏe của Hòa thượng Thích Giác Khang giảm sút. Ngài định an trí và thường nói cho một ít phật tử thuần thành là Ngài chọn Sư Minh Hiệp kế thừa Ngài, sau khi Ngài viên tịch Sư Minh Hiệp hướng dẫn Tăng chúng.
Tiếp đó, Ngài gọi vài Phật tử kết tập lại bài giảng của Ngài qua 5 chuyên đề: Muốn vãng sanh về xứ Cực lạc của Phật A Di Đà có mấy điều kiện, Nhận thức về Tái sanh – Chứng ngộ – Vãng sanh, Khổ Đế về nhân sinh quan, Khổ Đế về Vũ trụ quan, Nhân quả và nghiệp. Các chuyên đề này được Ngài giám sát chặt chẽ lối hành văn có diễn đạt sáng tỏ giữa tư tưởng và Bát nhã hay không, có rơi vào ngũ ấm ma hay không.
Bên cạnh đó lo về thân để phật tử tu thiền định dễ dàng, đồng thời giúp đỡ người nghèo khó, Ngài lập ra quán cơm gạo lức từ thiện. Thêm vào đó, lo về tâm, Ngài lập Ban Hộ niệm giúp đở người sắp lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực lạc. Kết quả được nhiều người vãng sanh lưu lại xá lợi.
Năm 2012, Phật tử thỉnh Ngài giảng bài kinh Sáu Sáu lần 4. Đợt giảng này rất đông Phật tử mới, trong những buổi giảng đầu tiên Ngài đưa ra 3 câu chuyện: Tổ Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế, Sư Huyền Giác và Lục Tổ Huệ Năng, Bảy trạm xe để trắc nghiệm lại trình độ Phật pháp của Phật tử. Ngài thường khuyên Phật tử nên tổ chức đi đến sông lớn, biển Ba Động ngồi thiền định, để thấy được cảnh mông lung, bao la mà soi rọi lại tâm của mình. Sau khi trắc nghiệm xong, Ngài thấy cần phải quay trở lại giảng “Bài học vở lòng” đó là 4 đường ác và người trời dục giới cho đến lúc Ngài đi Ấn Độ.
Hòa thượng Giác Khang là một bậc tôn túc, chân sư đạo hạnh trong Hệ phái Khất Sĩ. Ngài đem cả cuộc đời phụng sự và hiến dâng cho đạo pháp. Đời Ngài là một tấm gương sáng, mẫu mực về hạnh tiết thực, xả ly, vô trụ và hướng đến đời sống đạo hạnh.
Tổng hợp